Star Donation Challenge

Con Tự Học Offline #3: Làm sao để khuyến khích con đọc sách và luyện kỹ năng viết cho con?

12 Tháng Hai 2017 4336 lượt đọc

Buổi offline lần này Contuhoc đã mời chị Quỳnh Hương – một mẹ đã có nhiều bài chia sẻ rất thiết thực với cộng đồng về dạy con về an toàn giới tính, dạy con quản lí tiền, hướng con đọc sách, rèn con viết văn…

Mở đầu buổi offline, chị Hương đã chia sẻ với các mẹ về trải nghiệm của chính bản thân trong quá trình học văn hồi phổ thông và những điều đã rút ra để áp dụng trong việc dạy con mình. Tóm tắt lại, để bé có được thói quen và kỹ năng viết tốt thì bố mẹ cần giúp con:

-       Đọc sách nhiều để kiến thức phong phú, vốn từ nhiều, cách diễn đạt linh hoạt

-       Nắm vững cấu trúc của một bài văn bắt buộc phải có mở bài, thân bài và kết luận. Mở bài là giới thiệu về nhân vật/ đồ vật con định viết, thân bài là mô tả, kết luận là nói về cảm xúc của con với nhân vật/ đồ vật đó

-       Viết bài thường xuyên, 1 tuần 1 bài hoặc 1 tuần 2 bài

Ở nhà chị Hương đã áp dụng cách khoán viết trong khoảng nửa năm, khi bé lớn học lớp 4. Mỗi tuần chị đều yêu cầu con phải viết một đoạn văn về bất kỳ cái gì con thích, ví dụ mỗi khi đi chơi đâu về, chị khuyến khích con viết về chuyến đi đó. Theo chị Hương viết là để diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình, nên cần viết càng rõ ràng, bố cục cụ thể càng có hiệu quả cao và càng viết nhiều, con càng dễ viết, văn trơn tru. Chị Hương cũng khuyên các mẹ nên mua quyển “Tớ là tác giả” về cho con đọc để hiểu sâu hơn bố cục một bài văn, cách phát triển dàn ý nhuần nhuyễn.


Chị Hương cũng chia sẻ kinh nghiệp giúp bé nhỏ (học lớp 1) sớm biết đọc và có thói quen đọc sách tốt.

Theo chị, bạn nhỏ sẽ nhanh biết đọc khi bạn thấy cần phải biết chữ, để tự mình khám phá thế giới bao la trong sách. Thường thì một bạn nhỏ tò mò và trí tưởng tượng tốt sẽ nhanh biết đọc hơn, bạn sẽ tự hỏi mặt chữ, hỏi cách ghép vần, và tự đọc rất nhanh.

Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm mà nhóm chị đã áp dụng cho các con, học theo chương trình đọc truyện hàng tuần của các bố mẹ Mỹ. Nhóm đã tổ chức các buổi đọc nối đoạn, cả nhóm ngồi vòng tròn, mỗi bạn (hoặc mỗi mẹ bạn) đọc một đoạn. Sau khi đọc hết, các bạn nhỏ phải trả lời các câu hỏi: “Nhân vật chính trong truyện là ai?” “Các bạn nhỏ trong truyện đã chơi ở đâu?”,... Sau đó là phân vai đóng kịch, không cần phải thuộc lời thoại, các bạn tùy ý nghĩ ra các đoạn hội thoại từa tựa như truyện, nếu thiếu người đóng thì mẹ đóng cùng. Chơi kiểu này, phù hợp với các bạn từ 5 tuổi trở lên, các bạn nhỏ hơn cũng thích, nhưng rụt rè và ít dám tham gia hoạt động. Khi chơi, các bạn thích, cười toe toét, và cũng tò mò với việc đọc hơn.

Khi bạn nhỏ đã thuộc mặt chữ, chị Hương khuyên các mẹ nên cùng con đọc bằng cách hôm nay mẹ đọc cho con còn ngày mai con tự đọc truyện mà con thích. Truyện ban đầu tập đọc nên là truyện với câu tối đa ba chữ, chữ to, hình ảnh sinh động. Khi con đọc tốt truyện dạng này, bắt đầu cho con đọc truyện có câu nhiều chữ hơn.
Hàng tuần, bố mẹ nên cho con đi dạo phố sách hoặc đi nhà sách và cùng con chọn lựa. Chị Hương cũng đưa ra cho các mẹ danh sách các sách nên cho con đọc trong giai đoạn tập đọc, các mẹ xem chi tiết trong link https://www.facebook.com/quynh.huong.me.gau/media_set?set=a.1234535246594194.1073741878.100001131928402&type=3

 Sau phần chia sẻ của chị Hương, các mẹ đã bàn luận rất sôi nổi và đưa ra các câu hỏi nhờ chị Hương tư vấn.

Một mẹ chia sẻ băn khoăn của mình khi con rất thích đọc, đọc rất nhanh và nhiều sách làm mẹ không biết cách nào để kiểm soát xem con có nắm bắt hết ý nghĩa của sách hay không?

Với câu hỏi này, chị Hương khuyên mẹ nên hỏi con mình về ý nghĩa của truyện, yêu càu con kể lại truyện cho mẹ nghe. Các mẹ khác cũng góp thêm ý kiến là nên để con sau khi đọc thì viết bài giới thiệu sách hoặc viết cảm nhận của mình về cuốn sách đã đọc.

Một mẹ khác băn khoăn về cách làm thế nào để truyền được cảm hứng cho con khi khoán con đọc hoặc khoán con viết bài.

Theo chị Hương, tại nhà chị không cho con xem các thiết bị điện tử như tivi, điện thoai, ipad nên con chỉ có lựa chọn duy nhất là đọc sách. Chị cũng giải thích cho con ý nghĩa của việc đọc sách, viết văn từ đó thuyết phục con đồng ý làm theo. Theo chị thì khi con đọc sách con sẽ thấy cái hay cái đẹp của sách và từ đó việc đọc không còn mang tính ép buộc nữa.

Câu hỏi về cách truyền cảm hứng cho con đọc và viết được các mẹ hưởng ứng và trao đổi nhiệt tình, contuhoc tóm tắt một số điểm chính mà các mẹ đã thảo luận:

-       Mỗi bé có thiên hướng phát triển và khả năng riêng, bé ham thích vận động và có năng khiếu về thể thao sẽ khó có thể ngồi tập trung tĩnh lặng để nghiền ngẫm và đọc sách trong một thời gian dài được. Vì vậy bố mẹ nên chấp nhận thiên hướng của con mình và cố gắng giúp cho khắc phục điểm yếu trong mức có thể chứ đừng quá kì vọng và ép buộc con.

-       Bố mẹ nên cố gắng hiểu xem con mình thích thể loại sách nào, hứng thú với đề tài nào để từ đó khơi gợi, giúp con tìm niềm cảm hứng đọc từ đó. Ví dụ, với những bé yêu thích khoa hoc, ham mê khám phá thì bố mẹ có thể chọn cho con một số đầu sách hay như: Cuộc phiêu lưu của Karik và Valia, Gõ cửa 3 lần, trên sa mạc và trong rừng thẳm…Khi đưa con cùng đi nhà sách, bố mẹ nên áp dụng phương pháp của chị Phan Hồ Điệp, cho con chọn 3 quyển sách con thích và 1 sách do mẹ chọn.

-       Đối với việc luyện viết, bố mẹ nên khuyến khích con dần dần, ban đầu là viết 3 câu đơn giản mô tả sự việc mà con gặp, sau đó tang dần lên 5 câu, rồi thành cả bài

-       Các bố mẹ cũng chia sẻ thông tin về một số cô giáo có khả năng truyền cảm hứng, giúp con yêu thích viết và luyện cho con kỹ năng viết tốt hơn, ví dụ cô Ngọc Minh “Sách ơi mở ra”, cô Dương Hằng.


Cuối buổi thảo luận, chị Hương chia sẻ thêm về cách giúp con ôn lại kiến thức trên lớp thông qua việc hỏi con xem hôm nay con học trên lớp những gì. Đối với chị Hương cách này không hề tốn thời gian mà lại rất hiệu quả, chị đã chia sẻ trong nhóm và nhiều người cũng đã áp dụng thành công. Để áp dụng cách này bố mẹ cần hỏi con rất tỉ mỉ, cặn kẽ từng phần kiến thức con đã học trên lớp để đảm bảo con mình nắm chắc kiến thức và lấy ra được những ví dụ cụ thể.

 Một mẹ có đưa ra tình huống nếu con không hợp tác hoặc không trả lời thì nên làm thế nào. Đối với trường hợp này chị Hương cũng chia sẻ kinh nghiệm bản thân là đã nói rõ với con về lợi ích mà việc này mang lại, là mẹ đang giúp con củng cố lại kiến, việc học là việc của con và nếu thực sự con không thích học thì mẹ cũng sẵn sang cho con nghỉ.

Các mẹ trao đổi với nhau say sưa tới tận khi được báo lớp học của thầy Giang đã tan. Cám ơn chị Quỳnh Hương với những chia sẻ rất thiết thực và hữu ích, cảm ơn các bố mẹ đã nhiệt tình tham gia phản biện và cùng chia sẻ.

 


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab