VIỆT NGỮ VÀ ANH NGỮ: ĐẰNG NÀO QUAN TRỌNG HƠN ĐẰNG NÀO

06 Tháng Năm 2017 5825 lượt đọc

Kể từ khi bỏ nghề "đáo tụng đình" sang làm nghề "lái đò quy mã", tôi có được cái may mắn của kẻ làm Thầy, đó là được làm bạn với hàng trăm em lớn có, nhỏ có, vừa vừa có, nhiều cá tính hay trong những vụ trụ nhỏ. Điều may mắn hơn nữa là tôi có liên tục nhận được nhiều lời chia sẻ và câu hỏi từ bách tính phụ huynh, trong đó biết bao câu hỏi xoay quanh vấn đề: LÀM THẾ NÀO ĐỂ VỪA GIỎI TIẾNG ANH NHƯ BẢN XỨ MÀ KHÔNG MẤT ĐI TIẾNG VIỆT BẢN XỨ! Nói là lo có lẽ nhiều người cho rằng hơi quá, nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là vấn đề không chỉ là nỗi lo thiết thân của Phụ Huynh cho con em mình, mà có lẽ còn là nỗi lo của cả một thế hệ, cả một dân tộc!

ÔN CỐ TRI TÂN

Cách đây gần 4 thế kỷ khi những vị Tu sĩ dòng Ki-Tô đầu tiên vượt đại dương tới miền đất xa xôi, còn nghèo nàn và lạc hậu, nhưng hiền hòa và hiếu học vô cùng, cùng với một tinh thân tự cường dân tộc và chống ngoại xâm đến cùng, kể cả ngoại xâm về ngôn ngữ. Họ phải làm sao đây khi quan quân triều đình ngày đêm truy lùng và tìm mọi cách cản trở và trục xuất. Họ đã sống chui lủi và khổ hạnh để ngày đêm đi khắp nhân gian, lắng nghe cuộc sống của người dân xứ An Nam này để rồi phiên âm ra thành những từ ngữ rồi kí tự hóa bằng chữ cái la-tinh nhằm một mục đích cao cả là dùng lời dân Nam để nói lời Chúa Trời và truyền những lời Chúa cho dân Việt ta hiểu. Rồi các triều vua Nguyễn cũng dung thứ và cho phép họ xây nhà thờ giảng dạy lời Chúa bằng một thứ ngôn ngữ lơ lớ mà cho đến ngay nay nếu ai đó có dịp dự lễ thánh tại Nhà Thờ Lớn thì sẽ tự hỏi sao lời Cha giảng lại cứ âm vang và lơ lớ như vậy, có lẽ là vọng lại âm thanh của các Cha xứ Bồ Đào Nha từ xa xưa. Trong số những vị Tu sĩ đáng kinh ấy có ngài Alexandre de Rhodes (tiếng Việt thời ấy gọi ngài là Đắc Lộ) lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission De Tonkin), ngài Francesco Buzomi lập Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine). Nhờ những vị này mà những câu tiếng Việt ngay nay đã dần dần hình thành với câu đầu tiên xuất hiện là: " Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian ", nghĩa là "Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?Danh từ Hoa Lang, không rõ do đâu mà có, nhưng đó là danh từ do người Việt Nam thời bấy giờ dùng để chỉ cho người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng để gọi chung các nhà truyền giáo Tây Phương. Như vậy câu trên là câu các nhà truyền giáo Tây phương muốn hỏi một người Việt rằng : " Muốn vào đạo Thiên chúa chăng ? " Vì lẽ câu nói không diễn tả được rõ ý nên Linh mục Buzomi đã sữa lại như sau : " Muon bau dau Christiam chiam ? " ( Muốn vào đạo Christiang chăng ?). Đấy những câu tiếng Việt đầu tiên đã được hình thành như thế!

BỌN TRẺ ĐÃ GHÉT TIẾNG VIỆT RỒI SAO?

Tôi dùng danh từ "Bọn Trẻ" có lẽ là chỉ tụi trẻ Hà Thành, Sài Thành, Đà Nẵng Thành và các thành phố lớn khác, chứ đa số trẻ em sống ở những vùng nông thôn xa xôi thì ghét tiếng Việt làm sao được khi mà tất cả những gì chúng được tiếp cận và biết là những trang sách tiếng Việt ít ỏi mà chúng máy mắn có được. Cũng có thể không đúng khi nói các con đã ghét tiếng Việt, nhưng tôi vẫn nói vì đây là điều mà người lớn chúng ta cũng cần suy ngẫm.

Chuyện là thế này. Gần đây tôi chạy ngược xuôi vận động và bỏ tiền túi ra hàng trăm triệu để mua từng cuốn sách cho Thư Viện The Ivy-League Vietnam. Trong số hàng ngàn cuốn sách thì phải đến một nữa là tiếng Việt. Tôi lựa chọn sách theo nhiều chủ đề: Lịch sử, Văn Học, Kinh Tế-Luật, Khoa Học và nhiều chủ đề khác. Tôi tìm từng cuốn sách hay như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam như Vang Bóng Một Thời (Tuyển Tập Nguyễn Tuân), Tuyển Tập Nam Cao, Tuyển Tập Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố vvv. Tôi vô cùng cao hứng khi thâm tâm mong muốn các em nhỏ đọc các tác phẩm này ngõ hầu hướng các em tới những tác phẩm hay của Văn Đài Việt Nam một thời, dù còn nhiều ý kiến trái triều về "hay" và "dở".
Một hôm, một cô học trò bé nhỏ chạy đến than với tôi rằng: Thầy ơi, sao toàn sách tiếng Việt, chán ơi là chán. Tôi hỏi: sao con lại không thích sách tiếng Việt vậy? con ra đây Thầy bảo nhé. Đây này con: các Nhà Văn gạo cội của Việt Nam một thời này. Tôi cầm cuốn Tuyển Tập Nguyễn Tuân lên nói. Con biết cụ Nguyễn Tuân không? Cụ là nhà văn vĩ đại đấy. Văn của cụ khúc triết, thâm sâu vô cùng. Nếu đọc và hiểu được những gì cụ viết, tiếng Việt của con sẽ rất giỏi. Ngày xưa Thầy cũng mê cuốn "Vang Bóng Một Thời" của cụ lắm. Trong đó chứa đựng nhiều tư tưởng cải cách và cách mạng của cụ đấy. Còn đây là Nam Cao, một nhà văn thời kỳ Việt Nam mình còn trong xã hội Thực Dân Nửa Phong Kiến. Tôi giảng giải một hồi, em lại chau mày bảo, con chả thích đâu, Thầy mua nhiều sách tiếng Anh cho con đi nhé. Có Harry Porter tập 8 rồi đấy, Thầy mua ngay nhé.

Tôi vốn yêu và chiều bọn trẻ. Có cuốn nào mới và hay mà các em đề nghị, là tôi đi mua liền. Liền hôm đó, tôi chạy khắp Hà Nội, bới tung các nhà sách và mua ngay gần 500 cuốn sách truyện tiếng Anh mang về bày lên giá sách. Nhìn thật đẹp và đầy cảm hứng sáng tạo cho học tập. Tôi cũng thích chứ nói gì đến bọn trẻ. Sách Tây có bao giờ xấu và sai nhỉ! Và các con đã rú lên khi chỉ sau 1 ngày đến lớp học với hàng trăm cuốn sách tiếng Anh đẹp và hay như thế. Những lời em gái nhỏ nói làm tôi suy nghĩ về một thế hệ trẻ Việt Nam. Các em coi tiếng Việt là đương nhiên hàng ngày và như thế nên không cần học và tôi luyện nữa chăng? Có hôm, mấy em đến sớm, mang vở vào Thư Viện ngồi học. Tôi hỏi: Con học gì thế? các em trả lời với vẻ mặt rầu rĩ: Ngữ Pháp Tiếng Việt Thầy ạ. Sao nhắc đến Ngữ Pháp Tiếng Việt lại nặng nề tới vậy trong khi đó nhắc đến tiếng Anh các em lại hào hứng đến thế. Ngày xưa tôi rất thích môn Tiếng Việt trong giờ của cô giáo dạy văn. Tôi có 3 cô giáo dạy văn mà tôi còn nhớ mãi: Cô Lũy, Cô Xoan Già và Cô Nga Béo (cấp III). Cô Nga dạy tôi văn năm lớp 11 và 12. Cô "căm thù" tôi vì tôi luôn phá giờ văn của cô bằng những hành động ngầm mà cô không phát hiện ra là ai như "tặc lưỡi" hay "huýt sáo" vang lên trong giờ văn tĩnh lặng. Cô biết tôi là thủ phạm nhưng không có chứng cứ nên bó tay. Một hôm tôi vừa tặc lưỡi phá rối, Cô bèn gọi giật tôi đứng lên và nói: Em tóm tắt lại bài văn Chữ Người Tử Tù cho cả lớp nghe. Cô nghĩ tôi sẽ "chết đứng như Từ Hải" và đang chuẩn bị cho tôi 10 quả trứng gà để tôi gỡ cả kỳ học. Nào ngờ tôi vanh vách kể lại câu chuyện của Tử Tù Huấn Cao đã ung dung bất khuất trước cái chết cận kề và làm nổi bật cảnh Cho Chữ trong ngục: Mà một bên là Người Tử Tù uy phong lẫm liệt tay vung bút viết lên những dòng chữ thanh tao trong cái nơi ẩm thấp hôi hám, và một bên là Viên Quản Ngục khúm núm soi đèn. Cô bất ngờ lắm, khen tôi hết lời. Cũng từ đó tôi đã có hứng học văn học Việt Nam. Đọc hết sách giao khoa, thuộc hết các tác phẩm, các bài thơ đến tận hôm nay.

Nói dài lại quay lại chủ đề đang bàn: CÁC EM ĐÃ GHÉT TIẾNG VIỆT HAY SAO?

Nếu chúng ta bảo là đúng thì cũng phải. Các em đam mê tiếng Anh đó là điều đáng mừng cho nước Nam ta. Tôi luôn cổ vũ cho môt phong trào tiếng Anh hóa Việt Nam. Tôi luôn mơ ước thấy một ngày nào đó, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai được sử dụng bắt buộc trong trường học, trong công sở và trong mọi giao dịch, chứ không còn là một Ngoại Ngữ nữa, vì chừng nào là tiếng "Ngoại" thì vẫn còn xa lạ lắm. Ngày đó sẽ là ngày mà người Việt ta sánh vai với mọi cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi. Ngày đó Tây vào Ta không còn sợ hỏi đường mà dân ta không biết; Ta đi Tây không còn nỗi lo mang theo Phiên Dịch; không còn lo lạc đường không biết hỏi sao, vào quán ăn không biết thực đơn có món gì mà gọi. Ngày đó là ngày mà Lãnh đạo Việt đi dự hội nghị quốc tế không còn rụt rè vì tiếng Anh không biết, tản bộ đàm đạo cùng các lãnh đạo thế giới mà vẫn vui vẻ nói cười với người ta, ngồi ở Việt Nam mà bốc máy gọi cho bà Hilary thể hiện quan ngại về các vấn đề mà hai nước cùng quan tâm. Tôi mong đến ngày đó lắm.

Nhưng càng mong đến ngày đó thì tôi cũng lại càng lo. Tiếng Việt có còn chỗ đứng nữa hay không? gần đây tôi thấy có nhiều hội thảo về Giữ Gìn Sự Trong Sáng của Tiếng Việt. Có ý kiến cho rằng tiếng Việt hiện nay "đục" quá và rằng muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì phải học lại chữ Hán-Việt. Hàng ngàn năm qua, tiếng Việt của ta mà thực chất là tiếng Hán-Việt đã thấm quá sâu vào từng góc sống của dân tộc. Sự giản tiện của việc dùng Hán-Việt đã trở thành khuôn vàng thước ngọc của nhiều thế hệ nhà nho, nhà văn và dịch giả. Tôi cũng phải nói thật là nếu không có Hán-Việt, thì không biết phải gọi nhiều khái niệm như thế nào nữa. Ví dụ như: Cửa Khẩu, Hải Quan, Bộ Nội Vụ, Bộ Lao Động, Hải Phận, Quyền Tài Phán, Lãnh Hải, Lãnh Thổ, Địa Chất, Địa Dư, Quan Ải, Biên Giới....còn nhiều lắm. Trong công tác phiên dịch, vai trò của Hán-Việt là cực kỳ quan trọng. Thầy tôi đã dậy chúng tôi rằng phải Việt Hóa được các cụm từ tiếng Anh. Ví dụ nếu dịch cụm từ BIRD-WATCHER thì tiếng Việt là gì đây? chả nhẽ lại dịch thuần Việt là NGƯỜI XEM CHIM, NGƯỜI NGẮM CHIM HAY NGƯỜI ĐAM MÊ CHIM. Bởi quả thực bản chất của cụm từ này là thế. Nhưng nếu người dịch có chút chất Hán-Việt trong mình thì sẽ dịch là: CHIM SÁT VIÊN HAY ĐIỂU SÁT VIÊN. Hay khi dịch từ ORNITHOLOGY, các bạn sẽ dịch sao đây: NGÀNH NGHIÊN CỨU VỀ CHIM hay CHIM CỨU hay ĐIỂU CẦM HỌC. Rồi trong ý học, luật học hay nhiều ngành học nữa, nếu không có Hán-Việt thì thực sự là văn không ra văn, chương không ra chương nữa. Cho nên dù nhiều thứ về cái nguồn gốc Hán ấy tôi không ưa, nhưng về mặt ngôn ngữ thì cha ông ta đã chắt lọc và vận dụng Hán Ngữ vào Việt Văn một cách tài tình. Giống như tinh thần của bác Dương Trung Quốc nói trong một chương trình nói về 30 năm hội nhập thì cha ông ta đã biết vận dụng cái chữ Hán để xây dựng một nền tri thức Việt nơi mà đã sản sinh ra những vĩ nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Lê Quý Đôn.

Có người nói, sao không tiếng Anh hóa Việt Nam luôn đi, để khỏi phải lo giải thích lại đoạn văn tiếng Anh kia sang tiếng Việt làm chi cho mệt. Tôi nghĩ điều này là quyết tâm lớn mà Việt Nam mong muốn làm từ lâu. Gần đây tôi có tham dự một vài cuộc hội thảo và có nghe bàn về vấn đề này. Chính phủ cũng đã có quyết định này, thông tư kia và đề án nọ để tiến tới thực hiện hóa. Nhưng riêng với Việt Nam, tôi nghĩ đây là câu chuyện của cả thế kỷ, chứ không phải là của thập kỷ. Nhìn các nước xung quanh ta họ đã làm gì. Các nước như Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Brunei, Hongkong và nhiều nước khác trên thế giới thì rõ rồi. Họ được hưởng một nền thuộc địa cấp tiến của người Anh. Người Anh đem ngôn ngữ và văn hóa tới những nơi này, và khi trả lại độc lập thì nền giáo dục và ngôn ngữ ấy vẫn tồn tại. Có lẽ vì những dân tộc này có tinh thần kháng ngoại xâm không mạnh bằng ta. Họ cứ thấy gì tiện lời và tốt cho dân tộc thì giữ lại, chứ không định kiến là cái đấy là của kẻ xâm lược thì xấu và nên loại bỏ. Kết quả là ngày nay họ có nền giáo dục và ngôn ngữ chính thông là tiếng Anh. Lợi đủ đường. Còn ta thì tiếng Hán cũng không còn (không sao) và tiếng Pháp cũng mất luôn (dù vẫn nằm trong khối pháp ngữ). Ta lại còn thêm mấy thập kỷ học tiếng Nga quằn cả lưỡi. Mãi tới thời kỳ đổi mới, tiếng Anh mới bắt đầu thịnh hành, nhưng để tiếng Anh hóa cả một dân tộc thì còn cần công sức của nhiều thế hệ lắm.

CÁC EM GHÉT TIẾNG VIỆT PHẢI CHĂNG KHÔNG PHẢI LỖI CỦA CÁC EM MÀ LÀ LỖI CỦA NGƯỜI LỚN CHÚNG TA?

Trải qua ngàn năm đến những năm đổi mới, sự hấp dẫn của tiếng Việt có lẽ đã nhạt đi nhiều. Ở Việt Nam, pháp luật cũng đã quy định đại ý thế này: Tiếng Việt là ngôn ngữ của mọi văn bản chính thức của nhà nước và là ngôn ngữ xét xử tại tòa án. Đương nhiên đã là Quốc Ngữ thì phải là ngôn ngữ chính thống của hệ thống chính trị và pháp luật. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Có phải cách dậy tiếng Việt và các ấn phẩm in bằng tiếng Việt đã không còn hấp dẫn với các em? câu hỏi này tôi không trả lời được ngay vì cần nhiều nghiên cứu định tính và định lượng. Các tác phẩm văn học Viết thời nửa đầu thế kỷ 20 và thời chiến tranh sao lại hấp dẫn đến vậy? các tác phẩm dịch kinh điển như TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI (Phạm Mạnh Hùng) (NAY ĐÃ THÀNH NHƯNG CON CHIM ẨN MÌNH CHỜ CHẾT-DỊCH TỪ TIẾNG PHÁP) hay HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN (Đắc Lê) hay HỘI CHỢ PHÙ HOA (Trần Kiêm) rồi TRÀ HOA NỮ (Hải Nguyên) vvv. Những tác phẩm dịch từ tiếng Anh, tiếng Nga đã làm say đắm nhiều thế hệ, trong đó có tôi từ ngày còn ngôi ghế nhà trường.
Còn ngày nay thì sao? các tác phẩm viết vào thời nay tại Việt Nam bởi tác giả Việt không còn đủ sức lan tỏa và hấp dẫn các em nhỏ nữa hay sao? Lâu nay tôi không cập nhật văn đàn nhưng tôi biết nhiều tác phẩm hay vẫn ra đời, nhưng hầu hết các tác phẩm vẫn viết về đề tài chiến tranh, về những ngày tháng khổ đau của dân tộc, chủ đề góc cạnh quá hay sao? còn các tác phẩm viết mà lôi cuốn được các em nhỏ thì tôi lại không thấy nhiều nhỉ. Thời xưa tôi chỉ cố gắng chăm học để không bị Mẹ cắt mất xuất "Thiếu Niên Tiền Phong" để được đọc tiếp phần 2 của Truyện Trần Quốc Tuấn hay Ngô Quyền Đánh Quân Nam Hán. Tôi học lịch sử Việt như thế, dù sau này khi sang Mỹ tôi có đọc nhiều nguồn sử liệu khác nhau, và có chính kiến hơn, nhưng dù sao những ngày xưa ấy cũng đã để lại ấn tượng sâu đậm. Còn ngay nay, các em học văn Việt kiểu gì? học lịch sử như thế nào? nói tiếng Việt ra sao? thầy cô dạy tiếng Việt có thực sự đủ uyên thâm và truyền cảm để lôi cuốn cách em? nhiều câu hỏi quá không trả lời một sớm một chiều được mà để người lớn chúng ta cùng suy nghĩ.

HỌC TIẾNG ANH SỚM ĐỂ NÓI NHƯ BẢN NGỮ NHƯNG VIẾT TIẾNG VIỆT KHÓ KHĂN NHƯ MỘT NGOẠI NGỮ?

Mẹ ơi con không thể viết nổi bài văn cô giao bằng tiếng Việt đâu. Nếu là viết một bài bằng tiếng Anh thì con đã viết xong từ lâu rồi.
Đó là lời than của một cậu học trò học trường quốc tế. Em viết tiếng Anh siêu việt, người Mỹ còn phải nể vì có viết được như cậu bé đâu. Nhưng ở trường quốc tế của em có một môn gọi là Văn Học Việt. Em đang đánh vật và đang tìm mọi cách để chứng minh tiếng Anh mới là ngôn ngữ mà em thông thạo, chứ không phải tiếng Việt. Đây không phải chỉ đơn thuần là vấn đề của riêng em, mà là vấn đề của hàng triệu em. Tôi xin chủ quan nói vậy!
Có lẽ học tiếng Anh từ sớm để sử dụng thành thạo ở mức độ của người bản ngữ là điều đáng mơ ước của hàng triệu phụ huynh và cũng là niềm vui của nước Việt ta vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Học tiếng Anh hôm nay là tương lai của các em về sau. Tiếng Anh mở rộng cánh cửa ra thế giới, đến với nền giáo dục tốt, đến với cái gốc của tri thức hiện đại, thấm nhuần những giá trị văn minh của xã hội đương thời. Những điều này thật tuyệt vời!
Nhưng tiếng Việt là cái gốc của các em, là thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của nơi chôn rau cắt rốn. Là phương tiện để các em giao thiệp và quyết định sự thành bại của các em trên chính mảnh đất quê hương mình. Điều đáng buồn là không chỉ các em nhỏ cấp II, cấp III, mà ngay cả các em đang học đại học, đã tốt nghiệp đại học, cũng chưa hẳn đã viết nổi một đơn xin việc bằng một thứ tiếng Việt "sõi". Hành văn thì lủng củng, ý tứ thì xáo trộn, thể hiện một tư duy logic kém chưa từng thấy. Sinh viên luật thì không thể viết nổi một đơn kiện đúng nghĩa, kính ai, gửi ai, ai kiện ai, ai bị kiện, kiện cái gì...Tôi nói thế không có ý chê các em, mà cũng là sự đúc rút từ thực tế trải nghiệm có phần còn chủ quan và góc hẹp, và nếu có đúng như thế, thì các em có thể chú ý hơn tới tiếng Việt của mình.

Điều đáng nói là học giỏi tiếng Anh sẽ đặt các em vào vị thế cạnh tranh tốt hơn với những người không giỏi tiếng Anh, nhưng nếu giỏi tiếng Anh mà tiếng Việt lại quá tệ, thì các em cần điều chỉnh nhiều.

VÀI LỜI KẾT
Tôi muốn viết nhiều nữa, nhưng sợ rằng chả ai đọc vì Bệnh Lười tái phát. Lời kết nhắn đến toàn thể các em:

HÃY LÀM MỘT NGƯỜI VIỆT NAM THUẦN CHỦNG, NÓI TIẾNG VIỆT, VIẾT TIẾNG VIỆT THÀNH THẠO, THẤY CÁI ĐẸP CÁI HAY CỦA TIẾNG VIỆT TỪ CHÍNH TIẾNG ANH, CHỨ KHÔNG NÊN GIỎI TIẾNG ANH MÀ COI NHẸ TIẾNG VIỆT. GIỎI TIẾNG ANH NHƯNG KHÔNG BIẾT TIẾNG VIỆT CỦA ĐOẠN VĂN TIẾNG ANH ĐÓ LÀ GÌ. CÁC EM HÃY CẢM THỤ CUỘC SỐNG BẰNG CẢ HAI NGÔN NGỮ GẮN VỚI HAI NÊN VĂN HOÁ, THẤY CÁI SINH ĐỘNG VÀ TINH TẾ CỦA VẠN VẬT, VÀ ĐIỀU ĐÁNG QUÝ HƠN LÀ HÃY CẢM THỤ CUỘC SỐNG NHƯ MỘT NGƯỜI VIỆT NHƯNG BIỂU ĐẠT CẢM THỤ ẤY BẰNG VĂN CHƯƠNG CỦA TIẾNG ANH THÌ SẼ RẤT ĐẶC BIỆT, VÀ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT. ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM, ÍT NHẤT LÀ HÀNG THẾ KỶ NỮA, VẪN ĐƯỢC CAI TRỊ BẰNG TIẾNG VIỆT, MỌI VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐỀU VIẾT BẰNG TIẾNG VIỆT DÙ ĐÃ CÓ SỰ XÂM LẤN CỦA TIẾNG ANH, NHƯNG THỂ CHẾ HÀNH CHÍNH VẪN GIAO THÔNG BẰNG TIẾNG VIỆT, VÀ NẾU GIỎI CẢ HAI NGÔN NGỮ, CÁC EM SẼ BƠI TRONG CẢ HAI DÒNG NƯỚC, ĐỦ SỨC CẠNH TRANH TRONG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TƯƠNG LAI KHI MÀ BỌN TÂY TIẾNG ANH XỊN MÀ CÒN "ẤM Ớ" TIẾNG VIỆT VÀO TA LÀM VIỆC SẼ RẤT ĐÔNG. TA LÀ TA MÀ LẠI ẤM Ớ TIẾNG VIỆT, TRONG KHI TIẾNG ANH CŨNG CHẢ THỂ NÀO "SÕI" BẰNG BỌN KHOAI TÂY, THÌ HỎNG HẲN!

Trân trọng,
Giang Nguyễn
The Ivy-League Vietnam
(P/S: Tôi viết một mạch không nghỉ và không đọc lại để soát lỗi tiếng Việt, nên sẽ có những lỗi chính tả ngây ngô. Chính tôi cũng đang hoàn thiện sự sâu hiểm của tiếng Việt. Mong bạn đọc lượng thứ.)

Nguồn: FB thầy Giang Nguyen


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab