Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Người Đức: Học trước tuổi sẽ phá hoại trí tưởng tượng của trẻ, và cần để trẻ học từ thực tiễn

20 Tháng Chín 2017 5605 lượt đọc

Quan điểm của người Đức về việc dạy trẻ trước tuổi đi học

Nỗi lòng của một phụ huynh có con sắp đi học

Chị Sandra đến từ Cologne có viết rằng: “Năm nay con trai tôi lên 7 tuổi nên tôi đã đề xuất với cô giáo là có thể dạy thêm cho con mình một số kiến thức đặc biệt hơn không. Vì khi cháu 5, 6 tuổi, tôi cũng đã dạy cháu học đọc, học viết và làm toán một cách cơ bản rồi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô giáo phản đối và nói tôi nên giữ con mình giống như những đứa trẻ cùng tuổi.

Một tuần sau tôi lại đến gặp cô giáo và mang theo giấy chứng nhận IQ trước tuổi của con mình, hy vọng cô ấy hiểu những gì tôi muốn nói và đồng ý dạy thằng bé. Nhưng lần này, cô ấy lại nhìn tôi với một ánh mắt khó hiểu hơn lần trước, giống như tôi vốn không thuộc hành tinh này vậy.

Cô giáo giải thích thêm rằng: “Khai thác trí lực của trẻ một cách quá mức, hoàn toàn không phải là một việc tốt. Người lớn cần phải giữ lại không gian cho trí tưởng tượng của bọn trẻ được bay bổng. Việc nhét đầy kiến thức vào đầu chúng chỉ khiến não bọn trẻ dần trở thành ổ cứng máy tính, rồi sẽ đến ngày, bộ não của trẻ không khác gì ổ lưu trữ, chúng không còn muốn chủ động suy nghĩ hay tưởng tượng nữa”.

Nhìn thấy ánh mắt năn nỉ của tôi, cô giáo đổi giọng an ủi nói: “Chị cứ yên tâm, hãy để cháu vui chơi thỏa thích. Bọn trẻ vừa học vừa chơi ấy mà. Giờ cháu còn nhỏ, chị có lo lắng nhiều hơn thì cũng chỉ là điều vô ích mà thôi!”.

Dù vậy, tôi vẫn không hiểu nổi và không thể tin được vì sao chính phủ Đức lại không cho trẻ học trước tuổi. Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ là con càng học được nhiều thì đến khi đi học chính thức, con không bị bỡ ngỡ hay shock. Thế nên, tôi muốn làm rõ ngọn ngành câu chuyện này và đã tìm đến lời khuyên của một số chuyên gia giáo dục của Đức. Thật kì lạ, họ khuyên tôi đọc quyển Hiến pháp của nước Đức.

 

Hiến pháp của Đức cấm giáo dục trước tuổi đi học

Trong quyển Hiến pháp, khoản 6 điều 7 trong đó quy định một cách rõ ràng rằng: “Cấm thành lập trường giáo dục trước độ tuổi đi học”. Còn các vị chuyên gia về giáo dục đều nói với tôi một cách chắc nịch rằng: “‘Nhiệm vụ duy nhất’của trẻ trước khi vào lớp 1 là trưởng thành một cách vui vẻ”.

Thông qua các bộ luật của quốc gia, chính phủ Đức cấm khai thác trí lực của trẻ quá sớm. Câu trả lời mà tôi nhận được cũng y xì ý cô giáo của con trai tôi: “Hãy để lại nhiều không gian hơn cho trí tưởng tượng của trẻ có thể bay bổng vì bẩm sinh chúng đã thích chơi đùa. Cho nên, chúng ta phải làm những việc phù hợp với bản tính của trẻ, chứ không nên làm trái với quy luật trưởng thành của trẻ”.

Tôi vốn cho rằng ở Đức chỉ có trẻ lớp mầm non mới không được phép học những kiến thức chuyên ngành. Sau này tôi càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện, học sinh tiểu học cũng không được học thêm các giáo trình bên ngoài, dẫu chúng có thông minh hơn độ tuổi của mình rất nhiều."

 

Học trước tuổi sẽ phá hoại trí tưởng tượng của trẻ

Không chỉ người Đức, mà ngay cả người châu Âu luôn nhận thức rằng, trẻ nhỏ có quy luật trưởng thành của riêng chúng. Ở giai đoạn nào thì chúng cần làm những việc tương ứng với giai đoạn đó. Bởi vậy, chúng được vui đùa thỏa thích; rất nhiều công viên, sân vui chơi dành cho trẻ nhỏ được đầu tư xây dựng xung quanh nơi có dân cư sống.

Ngược lại với các nước châu Âu, trẻ em ở Việt Nam hầu như đã học xong những kiến thức của năm đầu bậc tiểu học khi đang học lớp mầm non bởi lẽ các bậc phụ huynh luôn lo lắng rằng con mình sẽ không bắt kịp các bạn khi vào lớp 1, nếu không bắt kịp các bạn, có thể con sẽ chán học và có thành tích không tốt.

Bề ngoài thì có vẻ như trẻ em châu Âu đã thua với trẻ nhỏ ở Việt Nam ngay từ vạch xuất phát. Nhưng đổi lại với sự lo lắng của các bậc phụ huynh Việt Nam, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức một cách bị động mà bỏ mất thói quen chủ động suy nghĩ trước một vấn đề. Hậu quả của những bộ não như chiếc ổ cứng là hủy đi tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ những đứa trẻ.

Những điều đáng kinh ngạc trong nền giáo dục của Đức​

1. Giáo dục mầm non của Đức không phân lớp lớn nhỏ, tất cả các độ tuổi đều học cùng nhau.​

2. Trường học của Đức đều chỉ áp dụng chương trình học nửa ngày. Buổi chiều trẻ không có bài tập về nhà, chỉ có các hoạt động ngoại khóa.

3. Tới lớp 3 trẻ em Đức mới bắt đầu học tiếng Anh.

4. Bậc tiểu học của Đức chỉ có 4 năm. Sau đó sẽ căn cứ vào giới thiệu của thầy cô, trẻ sẽ lên lớp và học những chuyên môn khác nhau theo sở trường của mình. Tuy tỷ lệ đỗ đại học ở Đức không cao như ở Việt Nam nhưng người Đức coi trọng những khóa học thực tiễn. Tiến độ môn toán học trừu tượng trong chương trình học của họ ít nhất là chậm 2 năm so với Việt Nam.


 

Nếu cho rằng nhất định phải “giáo dục” trẻ trước độ tuổi đi học, thì trọng điểm “giáo dục” chỉ có 3 phương diện sau đây:

1. Những kiến thức xã hội cơ bản như: Không được sử dụng bạo lực, không được nói chuyện lớn tiếng.

2. Khả năng làm việc của trẻ: Trong độ tuổi mầm non trẻ sẽ làm những công việc thủ công tùy theo sở thích của mình.

3. Bồi dưỡng năng lực cảm xúc, sự tự tin cho trẻ.

Theo Ninh Linh - Trí Thức Trẻ

Trẻ em Đức được giáo dục rất nhiều từ thực tiễn, bởi chính gia đình

Tôi may mắn làm việc với gia đình có nhà nghỉ - holiday house ở Đức nên cứ hè đến là chúng ta xách va ly sang Đức ở hết mùa hè và biết đến nông thôn Đức.

Ông xã làm cho Intel một thời gian ở Munich tôi cũng có dịp được biết đến một nước Đức hiện đại biết kế thừa truyền thống.

Phụ nữ Đức sinh con là ở nhà nuôi con đủ 2 năm. Đa số phụ nữ Đức có con là ở nhà, các gia đình phần lớn là 1 income family - 1 người đi làm đủ tiền nuôi cả nhà nên các em bé lúc nào cũng có mẹ bên cạnh hỗ trợ.

Nước Đức vô cùng kỷ luật trong cách sống, suy nghĩ, hành xử và với trẻ con cũng tương tự như vậy. Các em bé có thời gian biểu rõ ràng, giờ nào việc nấy, chịu trách nhiệm, lao động để hưởng thành quả. Học các nguyên lý sống từ bé.

Công viên, thư viện, sân chơi, play group - các nhóm trẻ chơi cùng nhau, các câu lạc bộ, rừng, khu bảo tồn, trang trại, viện bảo tàng vô cùng đa dạng phong phú ... vô số sự lựa chọn cho các hoạt động hàng ngày của trẻ em. Phần lớn là không tốn tiền, bạn chỉ cần gói đồ ăn vào và lên đường.

Nông thôn Đức có suối để đắp đập, rừng đủ các loại cây và quả dại, nấm mọc khắp nơi hái về nấu bữa tối, dâu dại làm mứt, ngựa pony cho trẻ cưỡi, bò, dê, cừu ... lũ trẻ chơi khắp mọi nơi an toàn. Đi xe đạp leo núi đổ dốc. Đạp xe ra ruộng hoa hướng dương. Ngồi lên máy gặt đập liên hợp, xem máy cuốn cỏ làm việc ... trẻ con tham gia vào cuộc sống hàng ngày và học từ cuộc sống.

Các ngôi nhà ở Đức có tầng hầm, nơi chứa bao điều kỳ diệu của cả dòng họ, những bộ đầu máy xe lửa từ xa xưa vẫn được chăm chút chạy ù ù từ thế hệ ông, sang bố, sang cháu. Góc thư viện. Góc chứa đồ ăn cho mùa đông... Tất cả đều là những con số to tát, những cảm xúc đặc biệt.

Trẻ có phòng riêng từ bé và chẳng phải nói gì chứ trang bị đến tận răng cũng đúng. Đủ mọi đồ chơi. Đủ mọi đĩa DVD animation. Đủ mọi đồ lego block. Đủ mọi đồ làm nghệ thuật. Đủ mọi cuốn sách đẹp đẽ chuẩn Đức.

Bà mẹ Đức có cả một hệ thống hỗ trợ từ xã hội và chỉ việc làm theo các gợi ý, đến hẹn là được nhắc đi khám răng, đến hẹn là được nhắc đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.... nếu không làm đúng còn bị tước quyền nuôi con.

Bà mẹ Đức có cả một mạng lưới các bà mẹ có điều kiện như vậy để đưa con đến chơi nhà, đi chơi cùng nhau... và em bé học từ tất cả các bà mẹ và mọi người trong môi trường.

Vậy thì đừng nói trẻ con Đức không học, các em bé học qua việc thu thập mọi thông tin xung quanh, học từ cuộc sống thật với điều kiện vật chất và tinh thần vô cùng tối ưu. Để có nguyên liệu cho trí tưởng tưởng các em bé cần được tự do trải nghiệm đa dạng về tình huống, nơi chốn, các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, nhiệt giác phải được nhận vô vàn thông tin, các cảm xúc được đánh thức sâu sắc bởi thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.

Những điều em bé muốn học thêm đều được gia đình hướng dẫn. Giáo dục công chỉ là chung cho tất cả mọi người ở trường. Giáo dục gia đình mới quyết định em bé luôn được nuôi dưỡng tài năng thiên bẩm hay trí tò mò của mình.

Điều kiện cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội, trình độ dân trí chung của người Đức cao nên vốn từ họ dùng với con đa dạng hơn, hay hơn, rộng về các lĩnh vực hơn. Từ bé các em đã học về những con số lớn như tốc độ xe, khoảng cách từ nước này sang nước kia, lên kế hoạch khi đi du lịch.... Các em bé đã học rất nhiều từ mẹ và gia đình mình.

Sau này đi học trẻ em Đức cũng cạnh tranh điểm số chẳng khác gì văn hóa Việt Nam. Người Đức có lòng tự tôn dân tộc rất cao, họ luôn tự hào khoe mình là người Đức và vẫn cho rằng đất nước họ sản xuất ra những cái đầu thông minh nhất và những sản phẩm tốt nhất.

Ở Đức em bé có cả 3 cạnh của một tam giác giáo dục: Gia đình, Nhà trường và Xã hội. Em bé Đức học và thực hành nhiều hơn em bé Việt rất nhiều ngay từ khi mới sinh ra.

Bí quyết của dân tộc Đức là tinh thần kỷ luật rất cao và yêu cầu tất cả mọi công dân hành nhiều hơn học lý thuyết suông cho có cái bằng như chúng ta đang làm. Từ một em bé đã làm điều đó, sống và tự học từ cuộc sống để yêu và quý trọng cuộc sống. Ngoài ra người Đức có một la bàn đạo đức rất rõ ràng do giáo dục gia đình từ bé. La bàn đạo đức đó cũng là chìa khóa giúp em bé sống, học, chơi thành công với nhau mỗi ngày, mỗi giờ.

Những người giỏi dù ở bất cứ đâu đều do giáo dục gia đình là chính. Nếu các bố mẹ muốn con thành công hãy chỉ cần làm theo điều đó nếu mình càng giỏi thì càng phải dành thời gian với con để hỗ trợ con sống thật để HỌC HÀNH, HỌC XONG LÀ PHẢI HÀNH tất cả các nguyên lý cuộc sống, kỹ năng cứng và kỹ năng mềm chuẩn bị cho cuộc sống 18 năm về sau con bạn sẽ sống độc lập về thể chất, cảm xúc, suy nghĩ và có trí tuệ vượt bậc do chính em bé có thói quen ham học rèn luyện mà có được.

Theo FB Huong Le Mai


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab