Phát triển trí thông minh nhưng đừng kích thích trẻ con quá mức

28 Tháng Sáu 2017 8626 lượt đọc

Mình muốn các bạn nhìn ảnh hai thời kì của cây hoa trà của mình. Mình yêu hoa trà lắm, và lại là loài cây có thể để được ngoài trời lạnh nên cách đây chục năm mua liền một lúc ba cây hoa trà. Cây màu đỏ này phát triển tốt nhất, mùa hoa năm 2015 nở được hẳn hơn 40 bông hoa, rực rỡ hết cả một góc ban công trong suốt mấy tuần liền (tiếc là mình không tìm lại được cái hình nào của cây trà rực rỡ năm 2015).

Thế rồi trước mùa hoa năm ngoái mình mua được một túi phân sinh học về bón cho hết tất cả các cây trên ban công, riêng cây hoa trà có chút ưu tiên về liều lượng. Vậy là chỉ độ 2 tuần sau, cây mọc tốt um tùm, lá nhiều vô kể. Nhưng rất buồn là cả mùa hoa không hề có lấy một bông vì cây tốt lá quá. Rồi đến sau mùa đông, đột nhiên lá rụng hết sạch và cây chết dần.

Mình tiếc ngẩn ngơ hết cả người. Hôm trước vừa ra hàng cây hỏi bác thợ làm vườn, bác giải thích luôn là tại mình bón thúc ghê quá nên thân và lá của nó bị xốp, và vì xốp nên chứa quá nhiều nước ở thân và lá cây nên nó không đủ cứng rắn để trải qua mùa đông như những năm trước. Rồi bác bảo giờ mình phải chăm lại nó dần dần xem sao. Chiểu theo đúng lời dặn của bác ấy, là không bón thêm gì, chỉ bón bã trà và tưới nước 2 lần / tuần. Và giờ cây bắt đầu mọc lại như hình số 2 mà cũng chưa biết có phát triển tốt như trước được không nữa.

*************

Mình kể chuyện cây cho các bạn nghe, vì mình nghĩ con người cũng thế thôi. Một đứa trẻ bị kích thích phát triển QUÁ MỨC và QUÁ NHANH, thì CÓ THỂ dẫn đến một vài hệ luỵ như sau :

- phát triển không đồng đều giữa tâm lý/ thể chất / vận động. Đứa trẻ có thể quá phát triển ở phần này, nhưng lại thoái lùi ở phần kia...

- thiếu tập trung chú ý, hay chán, háu động

- hay cáu giận, không thoải mái vui vẻ, hay lo nghĩ,

- hiếu thắng, sợ thua...

- tự ti, nhút nhát khi không đáp ứng được yêu cầu của người lớn,

- bệnh tâm thể (psychosomatique) như tè dầm, ngủ không yên giấc, mệt mỏi, rụng tóc, thậm trí có trường hợp bị đau đầu kéo dài, đau dạ dày, tiêu chảy mãn tính...

- lớn lên có thể có biểu hiện chán học vì bị nhồi nhét kích thích từ lúc còn nhỏ xíu...

- vụng đọc, vụng viết, vụng vận động...

- mất hoặc thiếu hứng thú, niềm vui cuộc sống,...
......................

**************

Khoảng gần chục năm trở về trước mình còn hay khám giúp một số trẻ trong mỗi kì hè ở VN vì hồi đó ở VN còn thiếu bác sĩ tâm lý.

Một lần mình được bạn quen nhờ xem giúp cho một đứa bé 7 tuổi. Bé hay hung hăng đánh bạn, không biết chơi với bạn, đồng thời lại rất nhút nhát, tự ti, bỏ bê học hành, hay khóc nhè, ăn uống kém, gầy nhỏ, mệt mỏi, và đặc biệt điều cha mẹ lo lắng là cu bé này không thể ngủ thiếu bố hoặc mẹ mà mẹ thì chuẩn bị có em bé còn bố thì đang đi làm tiến sĩ ở xa...

Mẹ và bà của bé kể rằng mẹ bé áp dụng chương trình dạy học sớm cho bé bằng thẻ học, dù bé gần 2 tuổi mới biết nói nhưng biết nhận mặt chữ luôn khi biết nói. Mẹ bé từng du học bên anh về, nên nói tiếng anh với con từ lúc mới sinh, và lúc khoảng 3 tuổi bé đã biết hát, kể vài câu chuyện nhỏ bằng tiếng anh, mẹ bé là dân chuyên toán cũ, nên từ lúc bé còn bé xíu đã dạy con số, cộng trừ...

Vậy nhưng đến năm gần 5 tuổi thì bé chững lại hết, không muốn học chữ học số, không hát hò, không muốn kể chuyện hoặc học tiếng anh nữa dù gia đình có thuê một cô gia sư để dạy văn hoá và tiếng anh.

Mẹ bé kể, bản thân em mới có gần bốn tuổi đã thuộc hết các con số, biết cộng trừ trong phạm vi 50 rồi. Còn con của bạn học với em, 5 tuổi đã nói tiếng anh vèo vèo, mà mẹ nó cũng chỉ dạy như em dạy con em thôi...

Mẹ bé kể, từ lúc mới sinh con ra, em đã áp dụng kiểu ngủ riêng phòng của tây, và con em khóc một thời gian, sau đó biết ngủ riêng rất ngoan, nhưng đến khoảng hơn ba tuổi là nhất định phải ngủ cùng giường với bố mẹ, nếu không thì không thể ngủ được, tè dầm, khóc đêm loạn hết cả nhà...
.......................

Bé này phải theo trị liệu suốt một thời gian trong 4 năm. Cũng may trong thời gian mẹ sinh em bé, bố đi xa, bé được gửi qua nhà ông bà nội rất nhiều. Bà nội của bé là người rất kiên nhẫn và yêu thương cháu. Bà dạy lại dần thằng bé qua vẽ tranh, kể chuyện và diễn kịch.

Năm ngoái mình về VN chơi có gặp lại gia đình này. Cậu bé đó đã học cấp 3 rồi, học tập hết sức bình thường làm mẹ của cậu vẫn còn rất ấm ức với việc cô ấy đã bỏ công sức ra dạy con phát triển trí thông minh sớm như vậy, mà lại không thu được kết quả gì. Cậu bé thích ông bà và luôn xa lánh mẹ.

Đến đứa bé thứ hai, bà mẹ chuyển công việc bận bịu hơn nhiều và cũng do ông bà nội ngăn cản nên cô ấy bỏ việc dạy phát triển trí thông minh sớm.

Bà nội bảo với mình : may là nó không dạy con theo kiểu cũ đấy cô ạ, nếu không thì khổ cả hai đứa.

Hàng xóm cũ của nhà mình có đứa bé cũng được mẹ kích thích phát triển từ lúc sớm lắm nên lúc nhỏ thằng bé học rất khá, nhảy hai lần hai lớp. Sau đến cuối cấp 2, đầu cấp 3 thì tụt dần, chán học chán hành, bạn bè thì không chơi được vì chênh lệch tuổi và chênh lệch lối sống... và bây giờ cu cậu cũng đang chật vật học nghề sau vài lần thất bại ở trường đại học.
..............

*****************

Mình kể mấy chuyện này không phải là để doạ các bạn đâu mà chỉ để mong các bạn hãy cẩn trọng khi lựa chọn cách dạy con thôi.

Bản thân mình xưa nay chưa bao giờ ủng hộ các kiểu phát triển trí thông minh sớm bằng thẻ học, bằng tiếng nước ngoài nọ kia vì mình luôn tin theo lý thuyết "có thì, có thục". Cái gì cũng phải có thời điểm và học tập là con đường rất dài các bạn ạ. Mình rất thích câu :"đường dài mới biết ngựa hay", nên mình mong các bạn đừng vội.

Nhiều lúc, trẻ con chỉ cần được để yên và được tôn trọng nhịp sống của chúng mà thôi...

Dạy này dạy kia một tý thì cũng vui, nhưng đừng QUÁ MỨC các bạn ạ. Biết chữ sớm, biết đọc sớm, biết tiếng anh rất sớm... thì cũng chưa chắc đã là hay với tất cả các trẻ.

Luti nhà mình là một trong các ví dụ của một đứa bé lớn lên từ từ, không bị kích thích quá mức, được chơi thoải mái, mà học hành tuy không sáng lạn nhưng cũng nghiêm túc, biết cố gắng khi cần, tính tình hiền lành vui vẻ tử tế, biết sống, biết yêu thương con người, quý trọng môi trường , giữ được nhiều ước mơ và có rất nhiều bạn bè chia sẻ, yêu thương... Vào năm 18 tuổi Luti tự nhận xét : con đúng là một đứa trẻ được hưởng tuổi thơ vui vẻ và lớn lên hạnh phúc.

(Mình là một người mẹ rất dễ hài lòng nên con mình được như vậy là mình cũng vui lắm rồi )

Và mình biết rất nhiều người khác cũng dạy con từ từ như thế và có những thành quả nhất định.

**********************

(Mình mở chút ngoặc để nói thêm mấy câu về phát triển thể chất. Mình thấy trên trang dạy con sớm có đoạn một số cha mẹ tập nối tiếp phản xạ đi cho con, hoặc tập nâng cổ từ rất sớm mình sợ quá.

Mình chỉ hi vọng các bạn không làm mạnh tay, vì xương khớp của trẻ sơ sinh còn yếu lắm chắc các bạn cũng biết.

Mà mình cũng không hiểu các bạn ấy cần con biết đi sớm để làm gì ???)

****************

Về phần thực hành, mình đã nói nhiều trong mấy bài trước rồi. Và mình biết là các bạn đều giỏi, nhưng mình vẫn muốn đưa vài ví dụ cho ai còn băn khoăn :

1)Trẻ con dưới 3 tuổi cứ chơi thoải mái, cha mẹ chỉ cần yêu thương ôm ấp, chăm sóc sức khoẻ, thể chất cho cẩn thận, chơi với con bằng đồ chơi, hát hò, đọc thơ, hát ru, mang con ra ngoài ngắm trời đất, hít thở không khí...

2)3-6 tuổi vẫn chơi là chính + học thêm một số thói quen sống như xếp dọn đồ chơi, đi về biết xếp giày dép, tự xếp túi đi chơi, đi học mẫu giáo đơn giản, tự mặc tự thay quần áo, tắm rửa, gội đầu đánh răng, đi vệ sinh sạch sẽ, ăn ngủ đúng giờ... tự sử dụng đũa, dĩa thìa, tự ăn tự uống, thưa gửi chào hỏi, học nói, đọc thơ, học hát để biết nói câu từ hoàn chỉnh, hiểu ngôn ngữ... +, một số động tác cơ thể chân tay khéo léo bằng tập thể dục, tập múa tập võ tập vẽ, nặn, xâu vòng xâu hạt... theo sở trường của cha mẹ và sở thích của trẻ

- Đọc sách, đọc thơ, đọc truyện, kể chuyện cho con nghe

- dạy trẻ biết sống, chia sẻ với bạn bè, người xung quanh...

- trước khi đi học lớp 1 thì biết bảng chữ cái theo chương trình học mẫu giáo.

3) 6 tuổi trở lên đi học thì cần học thói quen học tập, học tự chủ, học nấu ăn vài món đơn giản, tự phục vụ ...

Và vẫn cần để thời gian cho con chơi bời vui vẻ, tận hưởng các niềm vui sống...

Không phải cứ cắm đầu vào sách vở mới là học đúng không ạ.

Học ở mỗi con đường, mỗi lần đi chơi, mỗi góc phố nhỏ, mỗi bãi đất bãi cát, mỗi con ọng con kiến, mỗi hiện tượng thiên nhiên... có khi còn được nhiều thứ hơn rất nhiều chắc các bạn đều đồng ý với mình.


******************

Thêm một điều nhỏ nữa chắc các bạn đã biết rồi nhưng mình vẫn muốn nhắc lại tý là các bạn cần chú ý xem con mình thế nào để tìm cách dạy cho phù hợp.

Ví dụ :

- Nếu con là đứa bé luôn sống vui nhộn, hướng ngoại, hoạt động nhiều, thể thao thể dục giỏi, tính tình mạnh dạn... thì các trò chơi, hoạt động trong nhà cần lựa chọn yên tĩnh hơn, và thiên về các trò chơi, hoạt động hướng nội, dạy con cách quan sát, suy nghĩ sâu xa về các vấn đề hơn, cách sống khiêm nhường, để ý đến người xung quanh hơn một tý.

- Và ngược lại, nếu đứa bé của bạn thiên về hướng nội rồi, tính tình hiền lành yên tĩnh, ít hoạt động, vận động, hay suy nghĩ sâu xa, hay lo nghĩ xa xôi... thì lại cần các trò chơi, hoạt động vui nhộn, hướng ngoại hướng ra xã hội, nhảy nhót, thể thao... hơn một tý.

- Nếu thấy con cẩu thả, thì cần thiên về hoạt động tỷ mỉ, chi tiết và ngược lại, nếu con quá cầu toàn, quá chi tiết, quá tỉ mỉ,.. thì hãy hướng con vào một số hoạt động nghệ thuật để con có tâm hồn phóng khoáng hơn...

- Nếu thấy con nóng tính, quá nhiều năng lượng ...thì thiên về hoạt động yên tĩnh, tập các môn võ/ thể dục mềm..

- Nếu thấy con là đứa trẻ yếu đuối, nhút nhát thì cần tập dần cho con khoẻ mạnh, tập và chơi thế nào đó để con đỡ nhút nhát...

- Nếu thấy con hay tính toán đến tiền nong hoặc vung tay quá trán, thì hãy hướng con đi làm thiện nguyện...
...................

Và các bạn hãy nhớ, là đừng quá lo lắng, quá sợ, đừng so sánh với "con nhà người ta", đừng chạy theo phong trào... là được...

Đơn giản vậy thôi các bạn à.

Nguồn: FB cô Nguyễn Thu Hằng


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab