Làm cha mẹ tốt, đừng nên hiếu thắng, đừng chạy theo trào lưu, mà hãy luôn cẩn trọng, nhẫn nại...
31 Tháng Năm 2017
4402 lượt đọc
Mình vẫn luôn muốn nhắc đi nhắc lại thật nhiều lần, là cha mẹ tốt, là cha mẹ chỉ cần vừa đủ tốt, không quay cuồng chạy theo bất cứ trào lưu nào, cũng không hiếu thắng, không ganh đua, đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu...và phải biết sức mình đến đâu, biết con mình có thể chạy được đến đâu...biết tiến, biết lùi, biết vòng lại, và biết chờ đợi khi cần thiết....
Chắc các bạn cũng đồng ý với mình nhỉ .....
Hôm trước tình cờ thấy trên tường FB một bài của một bạn dạy con ở nhà. Mình tò mò bấm vào xem, thấy đúng là cô bé đó rất hay, bé xíu đã biết làm nhiều việc, cư xử rất chững chạc ...
Lâu lâu cũng có xem một vài bài của một số người giỏi và siêu giỏi trong việc nuôi dạy con cái, nhiều cái cũng đáng học, đáng theo....
Nhưng lùi ra một tý, thì vẫn có vài cái gợn trong lòng ....
- Gợn lòng khi nhìn cô bé ba bốn tuổi gì đó, được mẹ cho cầm con dao nhọn, kê cho đứng trên cái ghế vì bàn bếp khá cao để thái đồ ăn, gợn lòng khi thấy mẹ cô bé kể chuyện con cho mì và theo dõi nồi mì đang sôi, gợn lòng khi thấy cô bé dọn nhà vệ sinh giúp mẹ, gợn lòng khi thấy mẹ cho con gói nem thịt sống cùng mẹ....
- Gợn lòng khi thấy có mẹ khác cũng được nhiều người thích, kể là đã từng để đứa con gái hơn một tuổi xuống nghịch nước biển do nó cứ đòi, đêm về con sốt cao đùng đùng phải đi cấp cứu....và mẹ cho rằng đó là một trải nghiệm tốt.
- Gợn lòng khi thấy có mẹ kể là nếu con chị ấy ko nghe lời, chị để cho con thử nghiệm ngoài xã hội, thất bại thì phải rút ra bài học, thành công thì sẽ thành người có sức bật, sức bền....
- Gợn lòng khi thấy bao nhiêu cha mẹ chạy theo trào lưu học sớm, phát triển trí thông mình sớm, dạy chữ sớm....
..........Và rất nhiều cha mẹ như thế, họ hãnh diện với kết quả đang làm, và họ truyền kinh nghiệm cho nhiều cha mẹ khác. Về một khía cạnh nào đó, thì cũng có nhiều sự tích cực. Nhưng vì tính mình cẩn trọng, nên mỗi khi xem xong vài “tấm gương" như thế, mình vẫn luôn mong là không có nhiều cha mẹ nổi hứng mà lao theo một cách mù quáng, híc híc.....
Như đã nói, mình thì chủ về sự cẩn trọng, yêu thương, bao bọc dạy dỗ con từng tý khi con nhỏ, giúp con có cái nền cơ bản, rồi thả con ra dần dần theo khả năng của con và vẫn luôn ở bên cạnh trợ giúp một chút khi cần....Vì mình nghĩ, con người cũng có thể ví một cách đơn giản như một cái cây. Nếu cây có đủ bộ rễ to, lan rộng, vững chắc, thì sẽ hút được nhiều chất, phát triển tốt, và không dễ bị bão quật đổ. Con người mà có cái nền chắc chắn, được hưởng đủ tình yêu thương, dạy dỗ của cha mẹ, gia đình...thì sau này sống ở đâu cũng được, có thể làm được nhiều việc cho cuộc đời, cho xã hội, và cũng không dễ bị bão đời, bão lòng, bão cảm xúc...quật đổ....
- Bạn nào sống hoặc đã từng sống ở nước ngoài đều thấy, bên này người ta cũng khuyến khích dạy trẻ con tự làm, tự lập từ nhỏ, nhưng người ta luôn chú trọng đến sự an toàn. Thay vì để một đứa trẻ cầm con dao nhọn thái rau, sao không cho con một con dao mũi tròn ? Thay vì để con đứng chênh vênh trên một cái ghế để cao bằng bàn bếp, sao không làm cho con một cái bàn thấp nhỏ, một cái ghế dựa đàng hoàng, mỗi lần con muốn giúp mẹ thái đồ ăn, thì con ngồi đàng hoàng, chắc chắn trên cái ghế đó, làm trên cái bàn hợp với con, vừa tầm với con? Không ai có thể chắc chắn một trăm phần trăm việc đứa trẻ luôn đứng vững, hoặc làm chủ hết mọi tình huống, nói dại lỡ đang đứng chẳng may nó ngã thì sao, mũi dao nhọn thế nhỡ có chuyện gì thì sao ?
Cũng tương tự như vậy, nếu muốn dạy con nấu ăn với món nấu, món luộc, nghĩa là phải làm với một lượng nước nóng nào đó trong nồi, thì với một đứa trẻ nhỏ như vậy, thứ nhất nồi phải để đúng tầm của con, thứ hai lượng nước nóng ko được quá nhiều để nếu nói dại nhỡ nó lỡ tay làm đổ, cũng chỉ bị bỏng chút xíu thôi....
Còn mấy chuyện lau nhà vệ sinh, bồn cầu, gói nem thịt sống từ lúc ba bốn tuổi mình ko đồng tình vì vấn đề vệ sinh. Mấy việc như thế này, để lớn khoảng 6-7 tuổi dạy cũng không muộn mà.
Hồi mình làm việc ở Viện Nhi, đã gặp không biết bao nhiêu đứa trẻ bị tai nạn ở nhà chỉ vì sự bất cẩn, chủ quan của cha mẹ, ông bà.
Con mình là một đứa khá khéo tay và thích làm việc này việc nọ, mình cũng thuộc loại cho con làm mọi thứ từ nhỏ, nhưng mình rất cẩn trọng. Hồi con ba tuổi con cũng đã có thùng đồ nghề riêng, nhưng cái nào mua được đồ của trẻ con là mình mua đúng tuổi, cái nào ko có, mình phải lựa chọn cái không thể làm tổn thương nguy hiểm. Ví dụ để đóng đinh, mình mua cho con cái búa là một cục sắt nhỏ thôi, ko có hai cái càng để tránh bị kẹp tay. Dao thì khi con bắt đầu biết theo mình vào bếp, là mình bỏ hết tất cả các loại dao nhọn và dao to sắc quá đi, khi con lớn mới mua trở lại. Khi con mình 6-7 tuổi biết tự nấu một số đồ ăn đơn giản rồi thì mình thay bếp ga bằng bếp điện và thay cái bảng điện cũ để có cái cầu trì tự ngắt điện khi cần thiết...
Và cùng với việc dạy con nấu ăn, làm việc này việc kia, mình luôn chú ý dạy luôn chuyện lỡ xảy ra tai nạn thì xử lý thế nào.
Mình cũng cho con chơi đất cát thoải mái khi còn bé xíu, nhưng luôn đảm bảo con rửa thật sạch tay sau đó, và móng tay luôn được cắt thật sạch để tránh bị nhiễm giun... Nếu muốn cho con chơi đất nặn, mình làm bột mì muối, hoặc mua đất sét ở chỗ đất sạch, bảo đảm không có trứng giun cũng như không bị ô nhiễm bởi các chất trừ sâu, diệt cỏ ....
- Mình cũng không đồng tình với các ông bố bà mẹ cho con “thử nghiệm” ốm lúc con còn quá nhỏ như kiểu bà mẹ kể ở phần trên. Lúc con còn bé như thế, tránh được ốm đau chút nào thì tốt chút đó chứ. Không cần nói ai cũng biết, là một đứa trẻ dưới hai tuổi sốt cao, nguy hiểm gấp bao nhiêu lần một đứa trẻ lớn sốt cao. Rèn sức khoẻ cho con, có thể có nhiều cách khác nhau mà, chỉ cần mỗi ngày dắt con ra công viên, hoặc chỗ nào có thiên nhiên, cho con chạy nhảy vui chơi cũng là rèn sức khoẻ rồi. Lớn chút có thể rèn quen với lạnh quá, nóng quá, nhưng nhất định là phải từ từ tý một....
- Càng không đồng tình với các cha mẹ hò nhau “thảy" đứa trẻ mười hai mười ba tuổi ra ngoài xã hội cho nó trải nghiệm. Đặc biệt trong xã hội VN bây giờ, các bạn ko thấy sợ sao ? Đứa trẻ 12-13 thậm trí 15-16 vẫn còn rất dễ bị chông chênh, dễ bị lôi kéo theo đám đông, sao bắt con phải đối mặt với đời sớm vậy ?
- Mình cũng không đồng tình với các cha mẹ mang con ra thử nghiệm theo các chương trình dạy chữ sớm, dạy phát triển trí thông minh sớm nọ kia đang khá rầm rộ ở Việt Nam, thấy có hẳn cả Viện phát triển trí thông minh sớm, và có cả trung tâm bán đồ dạy học sớm, cổ vũ nhiệt tình cho việc ép mấy đứa trẻ con bé tý học chữ nọ kia.... Mình luôn tự hỏi ko biết các cha mẹ này có đọc kĩ, tìm hiểu kĩ về mấy chương trình này ko? Mục đích học chữ sớm để làm gì ?...Hay là họ chỉ chạy theo trào lưu? Thiếu gì cái cần dạy con trước sáu tuổi? Sao phải dạy nó học chữ, biết đọc thơ, làm thơ sớm vậy?
Ở phương Tây cũng có một số người theo phương pháp phát triển sớm, dạy chữ trước 2 tuổi này thật đấy, nhưng chỉ là thiểu số rất ít thôi các bạn ạ. Mình ở đây mười mấy năm rồi có nghe thấy nói đến mấy phương pháp kiểu như thế bao giờ đâu. Chỉ khi mình có ý định tìm hiểu tra GG thì mới ra một số chỗ thôi. Vậy mong các bạn đừng hiểu nhầm và đừng tin vào lời một số người truyền theo kiểu “phương tây thế này phương tây thế kia”.
Nói thật lòng là khi xem mấy cái video của các bạn dạy chữ, dạy trí thông minh sớm đó mình rất khó chịu. Sao cứ phải hét lên “con gì đây, cây gì đây, cái gì đây, chữ gì đây...” trước đứa bé bò còn chưa được, đứng còn chưa xong để bắt nó phải nhận dạng được mấy cái chữ mà đến 5-6 tuổi nó học vèo cái trong vài tuần là xong?
......Còn rất nhiều vấn đề nữa, tóm lại, mình chỉ muốn nói, đã sinh ra một đứa con, hãy chọn những con đường giáo dục, nuôi dạy cẩn trọng, đừng chạy theo người ta, đừng hiếu thắng, đừng khoe khoang ầm ĩ thái quá kẻo không lùi lại được...Nuôi con là cả một con đường dài mà, vội hơn chút, chạy hơn chút, con mình hơn con người ta sớm hơn một chút... để làm gì chứ?
Hãy cho con bộ rễ tốt nhất có thể được đi đã, còn chuyện tiếp theo thế nào thì là cả một quá trình và còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nữa mà, đúng không?
Nguồn: FB cô Nguyễn Thu Hằng
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
CÙNG CHỦ ĐỀ:
- Cách dạy con quản lý thời gian của người Do Thái
- CÁC TÀI LIỆU DẠY TRẺ BẢO VỆ THÂN THỂ
- Dạy con trên bàn ăn: những điều nên và không nên
- Chia sẻ về việc chọn trường và lộ trình học qua các cấp cho con của chị Lucy Lu
- GIÚP CON HỌC SỚM - HAY HẠI CON?
- Tóm tắt sách "Phương pháp Montessori trong gia đình-Sagara A"