PH hãy tự tìm hiểu kĩ càng và tỉnh táo khi làm việc với các công ty tư vấn du học!
Trên FB của chị Nguyễn Thị Bích Hậu - người đã có con đoạt học bổng du học nội trú Mỹ và có hàng loạt bài viết chia sẻ kinh nghiệm du học trung học trên VnExpress gần đây, và một số báo đã có một số bài chia sẻ đặc biệt quý giá về sai lầm của các PH có con đã đến tuổi tung cánh bay và những cái bẫy ở những đơn vị làm tư vấn du học. BTV ConTuHoc tổng hợp lại dưới đây.
Điều gì xảy ra khi bạn "khách hàng không trải nghiệm" của các công ty du học: muốn đầu tư tối thiểu, thành tựu tối đa?
Nguồn: Nguyễn Thị Bích Hậu
Khi tiếp xúc và trò chuyện với nhiều cha mẹ có dự tính cho con đi du học. tôi nhận thấy một thực trạng rất phổ biến, đa phần các bạn là những khách hàng không trải nghiệm. Gọi như vậy vì những đặc tính sau:
1/ Các bạn thường đặt mục tiêu cho con vào những trường trung học, đại học lẫy lừng nhất vì suy nghĩ đơn giản là nếu trường nào nó cần bao nhiêu điểm SAT, Toefl, GPA, mình chỉ cần nạp đủ số này, thậm chí ở phổ điểm cao nhất trong trường, thế nào nó chả nhận.
2/ Các bạn nghĩ nước Mỹ và bất cứ nước nào thấy con bạn cũng trải thảm cho các cháu vào trường vì thành tích học giỏi ( do các bạn tự đánh giá) và trao cho các cháu mưa học bổng
3/ Các bạn nghĩ chỉ cần 20 ngàn-25 ngàn usd năm là có thể cho con đi du học rất tốt rồi
4/ Các bạn nghĩ chỉ cần đi tới nơi là xong việc, chả còn lo cái gì nữa
Nói tóm lại, các bạn muốn đầu tư tối thiểu, thành tựu tối đa. Và trong suy nghĩ của các bạn, các nước Mỹ, Canada, Úc, Anh, NZ cũng y chang xứ thiên đàng, cho không biếu không là chính, thu tiền là phụ. Và những hiểu biết hạn hẹp cùng mơ mộng hão huyền của các bạn đã khiến cho rất nhiều công ty du học làm giàu. Bởi họ có thể làm thêm những dịch vụ như làm giả hồ sơ, hoặc tô hồng cho các bạn về các trường mà con bạn sẽ tới, hoặc đưa ra các loại hợp đồng có điều khoản bất lợi, hoặc thu của các bạn một khoản phí không tưởng cắt cổ từ vài ngàn usd trở lên, với các mức thu 3500 usd ( chỉ cho việc chọn trường ), 7000 -25 ngàn usd ( giả hồ sơ, tìm học bổng)
Trong khi mọi sự thực là ngược lại hoàn toàn. Khi đó, các bạn bèn rối cả lên. Một số bạn thì lùi luôn, vì thấy không còn hy vọng nữa. Một số bạn thì chạy đi hỏi han. Mà câu hỏi rất phổ biến mà các bạn dành cho tôi là " Xin cho biết trường nào có sẵn học bổng?" , " Xin cho danh sách các trường hay địa chỉ website có sẵn học bổng?" mà câu trả lời rõ ràng là chả có gì ăn sẵn vì nó không có sẵn. Hoặc khi đọc thông tin về trường trung học của con tôi từng học ở Mỹ, thấy khá hấp dẫn, có bạn và inbox hỏi giá học phí. Tôi vừa thông báo cần có số tiền khoảng 40-50 ngàn usd năm mới đủ, bạn bèn chạy mất hút.
Rất ít bạn biết cách tự đánh giá lại con và nguồn lực của gia đình theo phương pháp khoa học. Đơn giản nhất là phân tích SWOTT với 4 bước tìm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Rất ít bạn bỏ công tạo ra một kế hoạch với mục tiêu rõ ràng và lộ trình từng bước. Và rất hiếm bạn dám mất thời gian đi dò tìm từng trường để tìm ra học bổng cho con. Sau đó khuyến khích con thi thố sau khi con đã tự bò ra học hành, rèn tập để có đủ các tiêu chuẩn cơ bản mà trường đó cần ở vòng gửi xe.
Đó chính là cách tôi đã làm trong vòng 4 năm ròng rã để đồng hành cùng con. Và tất nhiên, tôi cũng như các bạn, cũng phải lăn bò ra đi kiếm tiền nuôi con. Và cũng có gánh nặng lo toan của mọi gia đình từ ma chay, cưới xin, giỗ chạp, quan hệ trong gia đình, bên nội bên ngoại. Nghĩa là rất công phu và mất thời gian để đầu tư cho các cháu. Không có con đường tắt nào và cũng chả có gì dễ dàng. Cạnh tranh thì khủng. Vì thế nên chỉ có một cách là kiên trì và nhẫn nại, có ý chí và nhất định không lùi bước thì mới có cơ hội thành công.
Hãy tỉnh táo trước lời mời học bổng từ trên trời rơi xuống
Nguồn: FB Nguyễn Thị Bích Hậu
Một mẹ liên lạc với tôi hỏi thêm về việc cho con đi du học trung học. Cháu học lớp 9, thành tích không mấy nổi trội, mà công ty du học giới thiệu cho một trường sẵn lòng cấp cho cháu gần 70% học bổng. Vì vậy cháu chỉ cần 15 ngàn usd năm đóng cho trường là du học trung nội trú Mỹ như ai.
Thử tra trên internet thì hóa ra ngôi trường cho cháu học bổng khủng này nằm tuốt luốt ở một tiểu bang miền Trung Tây xa xôi. Tại một thị trấn chỉ vẻn vẹn có 4000 dân. Và cả trường tính ra chỉ có 70 học sinh. Như vậy tính ra cả một khối lớp chỉ độ chưa đầy 20 cháu ( 9, 10, 11 và 12). Nếu trừ đi một số cháu học ở đó do nhà gần trường, chắc còn vài chục cháu ở nội trú tại trường. Trong khi đó công ty du học quảng cáo về trường này với rất nhiều lời có cánh và lấp lánh ánh hào quang. Trên FB của trường có rất nhiều thông tin và hình ảnh về VN tuyển sinh. Tỷ lệ nhập học rất thấp (vì có vài chục cháu), loại" hàng hiệu" mà một số công ty du học hay đưa ra lòe thiên hạ là thế này đây.
Một trường nội trú khác đang về cho hàng loạt các cháu tới phỏng vấn, mỗi cháu 40% học bổng. Nói chung cứ vô là nhận, học từ lớp nào cũng đồng ý luôn. Không thấy có rào cản hay điều kiện ghê gớm gì. Nhận xong một cháu sẽ phải mất chừng 35-40 ngàn usd năm mới đủ đi học.
Dường như năm nay, các trường dạng này về VN không ít, cũng vài trường, mở rộng cửa đón học sinh. Vì sao vậy? Theo suy nghĩ của tôi thì những trường này chắc chắn có vấn đề về chất lượng và việc thu hút học sinh . Bởi nếu họ đang ở đỉnh cao phong độ, không đời nào họ bỏ công đi chào mời và vơ bèo vặt tép học sinh ở các nước nghèo như VN.
Có thể vì họ ở một vùng quá xa xôi hẻo lánh nên không có nhiều học sinh tới học. Có thể vì thành tích học tập của họ nhiều năm không có gì nổi trội, nên học sinh ở đó cũng không mò tới. Nếu không có đủ học sinh để duy trì, những ngôi trường nội trú như vậy sẽ phải đóng cửa. Hoặc là bán thẳng cho các nhà đầu tư Trung Quốc hay nước nào đó muốn mua về kinh doanh.
Hơn nữa, vì nhiều cha mẹ không có kinh nghiệm, do đó khi họ báo với công ty du học về khoản tiền họ có, tức là họ chỉ có chừng đó. Nhưng công ty du học lại khớp với khoản học phí có thể đóng. Song trên thực tế, ở nhiều trường, sau khi đóng xong học phí, gia đình còn phải tốn thêm từ 5-10, thậm chí 15 ngàn usd cho một năm học . Tiền này chi vào đi lại, bảo hiểm, trang phục, giày dép, du lịch, dã ngoại, sách vở, giải trí, đi liên hoan, và nhất là nếu không có thân nhân ở gần trường, các cháu sẽ phải tốn tiền cho các kỳ nghỉ lễ , cứ 1 ngày 100 usd cho chừng 2-2,5 tháng nghỉ trong năm (không tính nghỉ hè).
Bởi vậy nên nhiều nhà thấy học bổng từ trên trời rớt xuống mừng quá, nhưng cũng nên tính toán lại ở 2 điều. Một là chất lượng trường thế nào, trường có phù hợp với con hay không? Hai là lượng tiền thực sự phải có đủ cho mọi chi tiêu thì con mới có thể đi du học được nhé.
Vì sao một phụ huynh mất trắng 50.000 USD?
Nguồn: FB Nguyễn Thị Bích Hậu
Chiều nay có một người cha nói chuyện với tôi về việc học hành của con. Cháu đang học một trường trung học nội trú ở tiều bang Cali và đạt kết quả tốt. Nhưng để có hôm nay, gia đình anh đã trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí bị mất trắng 50 ngàn usd cho một trường nội trú bên Mỹ qua tư vấn của một công ty du học mà anh gọi là "mắc bẫy".
Tóm tắt câu chuyện là gia đình anh đã ký 2 hợp đồng. Một hợp đồng trị giá 3500 usd với công ty du học chỉ để họ tư vấn tìm trường. Sau khi tìm ra trường với học phí 50 ngàn usd năm. Công ty du học yêu cầu gia đình anh ký hợp đồng thứ 2 với trường. Vì tin tưởng vào công ty du học, không rành Anh ngữ và thiếu hiểu biết, gia đình anh đã ký vào hợp đồng này với điều khoản phải trả đủ học phí 50 ngàn usd và công ty du học sẽ đứng ra làm dịch vụ visa cho anh chị đưa con sang trường.
Mấu chốt sai lầm chính ở điểm này. Bởi thông thường nếu trường gửi I-20 để gia đình cho học sinh làm thủ tục visa Mỹ, hầu hết các trường chỉ yêu cầu phụ huynh đặt cọc 1000-5000 usd mà thôi. Khi nhập học mới trả hết tiền còn lại. Thậm chí số tiền này không cần trả hết mà có thể trả theo tháng, theo quý, theo từng học kỳ. Nếu không đi được, trường sẽ giữ lại khoản tiền chi phí làm I -20 khoảng 500 usd và số còn lại sẽ trả cho phụ huynh.
Tuy nhiên, vì không nắm rõ, cũng như công ty du học ở đây đã tư vấn thế nào đó khiến gia đình anh nộp luôn khoản tiền 50 ngàn usd . Hợp đồng ký từ ngày 15/4/2016 có điều khoản sau ngày 15/7/2016 sẽ không hoàn lại tiền học phí. Nhưng đến 26/7/2016 thì gia đình anh chị mới có visa Mỹ. Vì vậy không thể được hoàn tiền khi có trục trặc.
Anh chị hăm hở cùng con qua tới nơi. Khi vào trường, cháu bị shock nặng. Trường nằm trong thung lũng Ojai, tiểu bang Cali, vốn chỉ có 7000 dân. Ngôi trường này cũng rộng với 260 mẫu Anh, mà chỉ có 265 học sinh. Trong đó chỉ khoảng 90 em nội trú. Nghĩa là rất ít học sinh và vắng vẻ. Đêm đầu tiên vào trường, cháu ở một mình trong phòng rộng và mở cửa ra chỉ thấy rừng cây mênh mông. Cháu cảm thấy rất sợ hãi vì thấy nơi này như cái bệnh viện. Tâm lý cực kỳ bất ổn. Cháu muốn ra ngay khỏi trường. Thế là không thể theo nổi, gia đình đành xin cho cháu chuyển qua nơi khác. Trường đồng ý, nhưng không trả lại cho gia đình khoản 50 ngàn usd học phí đã nộp.
Vì sức khỏe của con, gia đình đành vẫn phải chuyển con đi, và tìm cho môt trường nội trú khác phù hợp hơn. Đồng thời ba cháu phải qua Mỹ 1 thời gian cho tới khi con ổn định. Song dù rất nhiều lần liên lạc với công ty du học và với trường, khoản 50 ngàn usd đã nộp vẫn không được hồi lại.
Qua câu chuyện này, người cha chỉ muốn cảnh báo cho các phụ huynh về cung cách tư vấn và những cái bẫy của công ty du học, về hợp đồng với những ràng buộc sai lầm mà anh đã trót ký với trường tư thục tại Cali. Đồng thời anh cũng mong các bậc phụ huynh nên tránh xa các cạm bẫy này kẻo như gia đình anh, vừa mất của, vừa súyt mất cả con.
Chuyển hàng ngàn USD cho một công ty ở nước ngoài theo sự chỉ định của đơn vị tư vấn du học trong nước nhưng không biết là cho những khoản gì, cũn không hề nhận được hóa đơn.
Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam
Đầu tháng 4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư của bà LTLBT. (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) tố cáo Trung tâm tư vấn du học ILA Đà Nẵng (trụ sở tại 169-171 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của bà này.
Từ những thông tin này, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu, qua đó phát hiện tình trạng nhiều đơn vị tư vấn du học nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của phụ huynh để lừa đảo, trục lợi.
Theo đơn tố cáo, vào mùa hè năm 2015, sau khi bàn bạc với gia đình, bà T. đã tìm hiểu thủ tục để con trai tên HNM. (16 tuổi) đi du học tại Hoa Kỳ.
Để tìm kiếm sự tư vấn lựa chọn trường học, bà T. đã nhờ Trung tâm tư vấn du học ILA tại Đà Nẵng (trụ sở tại 169-171 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) hướng dẫn.
Tại đây, bà T. và Trung tâm này có làm một bản hợp đồng dịch vụ trị giá 5 triệu đồng để thanh toán phí tư vấn. Qua tư vấn của ILA Đà Nẵng, gia đình bà T. đã chọn và phỏng vấn thành công nhập học tại trường Trung học Bishop McLaughlin (tiểu bang Florida, Hoa Kỳ).
“Sau khi được trường chấp nhận nhập học, chúng tôi đã thực hiện thủ tục xin visa đi Hoa Kỳ và được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chấp nhận cấp visa du học cho cháu M.”.
Bà T. trình bày tiếp, do không có thân nhân tại Hoa Kỳ và qua sự giới thiệu của ILA Đà Nẵng về việc sẽ đảm bảo việc học tập, ăn ở, bảo hiểm… cho con trai tại Hoa Kỳ nên gia đình đã thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của ILA Đà Nẵng.
Cụ thể, chồng của bà T. đã phải chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị đại diện bảo hộ tại Hoa Kỳ với tên gọi là CCI Greenheart (địa chỉ 72 N Wells Street, Chicago, IL 60654, Hoa Kỳ) theo số tài khoản được ILA Đà Nẵng cung cấp là: 69892889, Swift, MBFIUS44, Routing: 071001737 tại MB Financial Bank N.A, 6111 North river road Rosemont, illinois 60018, USA.
“Đây là đơn vị do ILA Đà Nẵng chỉ định chúng tôi chuyển thanh toán vào tài khoản. Nhưng thực tế chúng tôi không biết và cũng không có bất kỳ quan hệ giao dịch, hợp đồng nào với tổ chức này.
Sau nay, qua tìm hiểu, tôi mới biết công ty này thực hiện dịch vụ đón nhận học sinh quốc tế, thu xếp ăn ở, trường học và nộp tiền học. Tổng số tiền chúng tôi phải chuyển theo yêu cầu của ILA Đà Nẵng vào tài khoản trên chia làm 4 đợt với tổng số tiền hơn 63,8 ngàn USD” bà T. thông tin.
Khuất tất trong thu chi
Mặc dù chuyển hàng ngàn USD ra nước ngoài để lo việc ăn học cho con nhưng gia đình bà T. vẫn không nhận được bất kỳ một loại hóa đơn, chứng từ thể hiện các khoản thu phí.
Ngay cả thông tin về CCI Greenheart (đơn vị được cho là thu xếp, lo lắng chuyện ăn ở cho con trai bà T.) là ai, ở đâu thì gia đình bà T. cũng không hề hay biết.
Ngay cả thông tin về CCI Greenheart (đơn vị được cho là thu xếp, lo lắng chuyện ăn ở cho con trai bà T.) là ai, ở đâu thì gia đình bà T. cũng không hề hay biết.
“Công ty đó ở Chicago, còn con trai tôi học ở Florida nên mọi công việc đều qua email hoặc điện thoại.
Lâu lâu, thì đại diện công ty này mới gọi điện cho con trai tôi hỏi han sơ qua, còn thực tế cũng chưa bao giờ tiếp xúc” bà T. cho hay.
Trong ba học kỳ trước đó (năm học 2015-2016 và học kỳ 1 năm học 2016-2017), gia đình bà T. phải nộp số tiền học là 31.000 USD/năm nhưng không nhận được giải trình rõ ràng là số tiền này bao gồm những tiền gì.
Ví dụ như: tiền học bao nhiêu, tiền ăn bao nhiêu, tiền dịch vụ bao nhiêu? Đến tháng 11/2016, gia đình bà T. tiếp tục nhận được yêu cầu thanh toán của phía CCI Greenheart gửi cho ILA Việt Nam, yêu cầu thanh toán tiền học cho kỳ 2 (năm học 2016-2017) nên gia đình gửi yêu cầu phải công khai mọi thứ rõ ràng.
“Thông qua phía ILA Vietnam, gia đình tôi để gửi 3 điều kiện cho CCI Greenheart trước khi tiến hành thanh toán.
Trong đó, chúng tôi yêu cầu CCI phải giải trình rõ ràng về số tiền tôi đóng, để tôi hiểu rõ tôi đang thanh toán cho những thứ gì và có sự chuẩn bị phù hợp cho các năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, yêu cầu này của phía gia đình học viên đã không được CCI cũng như ILA Việt Nam đáp ứng.
“Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với cô Trần Thị Nguyệt Vi – đại diện ILA Đà Nẵng để yêu cầu phải cung cấp hóa đơn, làm rõ các khoản chi phí.
Nhưng chúng tôi đã không nhận được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh về việc chi trả bao nhiêu cho tiền học, tiền ăn và bảo hiểm như nội dung ILA Đà Nẵng đã cam kết” bà T. bức xúc nói.
Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ những khuất tất cũng như cuộc “ngã giá” hoàn trả lại tiền giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên trong các số báo tiếp theo.
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Nên đi du học từ cấp 3 hay từ đại học?
- Học bổng ASEAN cho học sinh Việt Nam học cấp 3 tại Singapore năm học 2018
- Có nên cho con đi du học (phổ thông) sớm?
- Những YES and NO dành cho các em học sinh muốn du học cấp 2-3 tại Mỹ
- Chia sẻ từ một người mẹ từng du học và đã cho hai con đi du học Singapore, Úc, Mĩ
- Chia sẻ về việc chọn trường và lộ trình học qua các cấp cho con của chị Lucy Lu